CHÚA CHÚNG TA 2-7: Giáo Lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Cựu Ước
- Bầy Nhỏ
- 15 phút trước
- 5 phút đọc
Làm thế nào để hiểu và tin giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi?
Tin MỘT Đức Chúa Trời hiện hữu trong BA THÂN VỊ là giáo lý chỉ có trong Cơ Đốc giáo. Ngay cả người Do Thái, tuy có chung nguồn mạc khải Cựu Ước với Cơ Đốc giáo, cũng không chấp nhận Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời.
Vấn đề được đặt ra là niềm tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi hoàn toàn chỉ do Đức Thánh Linh gieo vào tâm trí của các sứ đồ; hay là cũng có cơ sở hợp lý khác nữa?
Bài học hôm nay cho thấy đọc Kinh Thánh theo cách đọc hiểu bản văn thông thường, chúng ta cũng có thể nhận ra và tin giáo lý Ba Ngôi.
📖Link tài liệu Chúa Chúng Ta:
-----
⏱ 00:00 - Mở Đầu
⏱ 00:49 - Ôn Bài 2-6: Chúa Giê-xu Chịu Báp-têm
⏱ 03:36 - Bài 2-7: Giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Cựu Ước
⏱ 04:22 - Giáo Lý Ba Ngôi trong việc Chúa Giê-xu chịu báp-têm
⏱ 05:12 - Người Do-thái được dạy chỉ có một Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va
⏱ 06:11 - Giáo Lý Ba Ngôi từ trang đầu tiên của Kinh Thánh
⏱ 06:59 - Elohim - Giáo Lý Ba Ngôi trong Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ
⏱ 08:04 - Achad - Giáo Lý Ba Ngôi trong "Giê-hô-va có một không hai"
⏱ 11:26 - Giáo Lý Ba Ngôi từ trang cuối cùng của Kinh Thánh
⏱ 15:11 - Kết Luận - Khám phá biển rộng tri thức về Đức Chúa Trời
-----
🎵Intro🎵: 'Romantic Love Music (Wedding Background Intro Theme)' - by BackgroundMusicForVideos (Maksym Malko)
🎵Music 2🎵: 'Charming Acoustic Guitar Fairy-tale Fantasy Music' - by Denis-Pavlov-Music (Denis Pavlov)
-----
Giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Cựu Ước
Ma-thi-ơ kể ba câu chuyện trong năm chuẩn bị: Sự giảng dạy của Giăng Báp-tít; Chúa Giê-xu chịu báp-têm và Chúa Giê-xu chịu cám dỗ. Việc đầu tiên Chúa Giê-xu làm để bắt đầu chức vụ công khai là đến xin Giăng làm báp-têm cho Ngài. Chúa chúng ta đã vâng theo ý Đức Chúa Trời, đứng vào chỗ của loài người tội lỗi để cứu chuộc họ. Khi Giê-xu Na-xa-rét - một thợ mộc không ai biết đến, bước ra khỏi nước, đám đông dân chúng hai bên bờ sông Giô-đanh đã chứng kiến sự hiện diện của Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Trong bài này, chúng ta học những bằng chứng khác trong Cựu Ước về giáo lý Ba Ngôi.


Giáo lý Ba Ngôi cho biết chỉ có MỘT chân thần tối thượng được gọi là Đức Chúa Trời. Ngài hiện hữu trong ba ngôi vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Mỗi ngôi vị là Đức Chúa Trời hoàn toàn. Nhưng không phải là ba Đức Chúa Trời khác nhau! Mà là Ba Ngôi hiệp lại trong MỘT Đức Chúa Trời. Cơ-đốc nhân lấy lá cỏ ba lá (clover) làm biểu tượng giáo lý Ba Ngôi. Mỗi một lá cỏ ba lá có ba phần như là ba lá riêng. Giáo lý Ba Ngôi cũng dạy về MỘT Đức Chúa Trời hiện hữu trong ba ngôi.
Tất cả các dân tộc khác đều nghĩ là có rất nhiều thần. Riêng người Do Thái đã học biết rằng chỉ có một Đức Chúa Trời. Cha mẹ Do Thái có trách nhiệm dạy cho con cái Phục Truyền 6:4 – “Hỡi Y-sơ-ra-ên hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.” Chính Đức Chúa Trời dạy cho dân Do Thái chân lý chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất. Vì thế, học những bằng chứng về giáo lý Ba Ngôi trong Cựu Ước - Kinh Thánh của người Do Thái, là việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng ta.
Ngay từ ba câu đầu tiên của Cựu Ước - Sáng Thế Ký 1:1-3, chúng ta đã thấy Ba Ngôi Đức Chúa Trời dự phần trong cuộc sáng tạo thế giới.
Đức Chúa Cha: Câu 1 - Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất.
Đức Thánh Linh: Câu 2 - Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.
Đức Chúa Con: Câu 3 - Đức Chúa Trời phán. Đối chiếu với Giăng 1:1-3 nói muôn vật do Ngôi Lời - chính là Chúa Giê-xu, tạo dựng.

Nhiều người Do Thái không chấp nhận dùng Tân Ước để chứng mình giáo lý Ba Ngôi. Nhưng ngay trong bản văn Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ - cũng đã có bằng chứng về giáo lý Ba Ngôi. Chữ Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 1:1, tiếng Hê-bơ-rơ là ELOHIM, một từ ở số nhiều. Tiếng Hê-bơ-rơ dùng số nhiều để nhấn mạnh sự vĩ đại, uy nghi của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tiếng Việt dịch Elohim là Đức Chúa Trời (chỉ một Đức Chúa Trời,) là dịch theo ý. Nếu dịch đúng theo nghĩa đen của từ thì phải là Những Đức Chúa Trời. Ở Sáng Thế Ký 1:26 thì Kinh Thánh Việt ngữ dịch đúng theo tiếng Hê-bơ-rơ. Trong câu này, Đức Chúa Trời ba lần dùng đại từ ở số nhiều Chúng Ta để nói về chính mình Ngài. Câu 26 cho thêm một bằng chứng nữa về giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, ngay trong đoạn đầu tiên của Cựu Ước.

Người Do Thái không chấp nhận những câu Kinh Thánh chúng ta vừa học là bằng chứng giáo lý Ba Ngôi. Lý do là vì Phục Truyền 6:4 dạy rất rõ ràng và dứt khoát rằng Đức Chúa Trời chỉ có MỘT. Nhưng nghiên cứu kỹ câu Kinh Thánh này, chúng ta nhận thấy Phục Truyền 6:4 không mâu thuẫn với giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Tiếng Hê-bơ-rơ của người Do Thái có ít nhất hai từ mà chúng ta dịch là ‘một’:
- YASHIT: Có nghĩa là MỘT. Là một đơn vị và không phân chia ra được.
- ACHAD: Cũng có nghĩa là MỘT, nhưng do nhiều phần hợp lại.
Chữ Một trong cụm từ ‘một ngày’ (bản dịch tiếng Việt thiếu từ MỘT), dùng ở Sáng Thế Ký 1:5, nguyên văn Hê-bơ-rơ là Achad, một do nhiều phần hợp lại. Chữ MỘT trong MỘT THỊT ở Sáng Thế Ký 2:24 cũng là Achad.
Sáng Thế Ký 1:5 → BUỔI CHIỀU + BUỔI MAI = MỘT NGÀY.
Sáng Thế Ký 2:24 → CHỐNG + VỢ = MỘT THỊT.
Nếu Giáo lý Ba Ngôi không phải là chân lý, thì chắc chắn Phục Truyền 6:4 phải dùng từ YASHIT trong câu “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có MỘT không hai.” Nhưng Đức Thánh Linh đã soi dẫn cho câu Kinh Thánh được viết ra với chữ MỘT là ACHAD thay vì YASHIT. Ngay trong câu Kinh Thánh căn bản dạy về Đức Chúa Trời chỉ có một, chúng ta cũng có bằng chứng cho giáo lý Ba Ngôi. ELOHIM chỉ là 1 trong 5 từ Hê-bơ-rơ chỉ về Đức Chúa Trời; còn ACHAD chỉ là một trong nhiều từ có nghĩa là MỘT. Nhưng Kinh Thánh đã dùng chính xác những từ này để giúp chúng ta học hiểu chân lý kỳ diệu: ĐỨC CHÚA TRỜI DUY NHẤT HIỆN HỮU TRONG BA NGÔI VỊ.

Ngay trang Kinh Thánh đầu tiên đã có bằng chứng rõ ràng về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Bạn hãy mở trang cuối cùng của Kinh Thánh và đọc năm câu cuối: Khải Huyền 22:17-21. Bạn có tìm thấy bằng chứng cho giáo lý Ba Ngôi không?
Comments