Tại sao Chúa để các con của Ngài gánh chịu hoạn nạn lớn?
- Bầy Nhỏ
- 18 thg 11, 2022
- 5 phút đọc
HỎI: Em chào anh! Có người nói với em rằng đại dịch Covid-19 là tai họa Chúa giáng xuống trên một số Hội Thánh. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này? Em không hiểu sao Chúa cất đi những người chăn bầy và những người đang học để ra đi rao giảng Lời Chúa?! Kể cả như tiên tri bướng bĩnh Giô-na xin Chúa giết ổng đi nhưng Chúa cũng bắt ông đi truyền giáo đã mà?! Em thấy 10 tai vạ giáng xuống Ê-díp-tô thì Đức Chúa Trời bảo vệ đất Gô-sen, và nói chung là thời Cựu Ước, những người thờ phượng Đức Chúa Trời thì Ngài luôn bảo vệ khỏi tai vạ cũng như khỏi gươm giáo của địch. Nhưng đau ốm, bệnh tật, chết chóc gì thì thời Tân Ước dường như tất cả không phân biệt Cơ đốc nhân hay người ngoại. Có phải chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu chỉ để được sự sống đời đời và được bình an trong lòng mặc dầu vẫn phải chịu những nan đề giống như mọi người?

ĐÁP: Từ nguyên thủy, Đức Chúa Trời không chủ ý giáng tai họa cho loài người. Hoạn nạn hay tai họa đổ xuống trên loài người là hậu quả của tội lỗi. Nhưng những người thuộc về Đức Chúa Trời thì Ngài đưa cánh tay ân điển ra can thiệp vào mọi sự, khiến cho mọi sự hợp lại làm ích cho những người yêu mến Ngài (Rô-ma 8:28-39). Dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước cũng đã gánh chịu nhiều tai họa, thậm chí còn kinh khiếp hơn các dân tộc khác. Chúng ta thấy tai họa đổ xuống trên dân Y-sơ-ra-ên có năm mục đích:
1. THỬ THÁCH: Hoạn nạn thúc đẩy con dân Chúa tìm kiếm Ngài. Nhờ đó, họ tăng thêm sự hiểu biết, đức tin, lòng kính mến và nhiệt tâm sống vâng lời. Họ cũng trãi nghiệm quyền năng, tình yêu của Đức Chúa Trời và có cơ hội phô diễn vinh quang Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 14: – Dân Y-sơ-ra-ên bị quân Ai Cập truy kích không có lối thoát. II Sa-mu-ên 19: – Đa-vít bị Sau-lơ truy sát dầu đã được Sa-mu-ên xức dầu phong vương).
2. CẢNH CÁO: Khi con dân Chúa tuy chưa vi phạm gì, nhưng đã bắt đầu vì ham muốn riêng và sự kiêu ngạo về cuộc sống (I Giăng 2:16) mà không còn hết lòng yêu kính, tin cậy và vâng lời Đức Chúa Trời nữa; Đức Chúa Trời sẽ dùng khó khăn hoạn nạn để nhắc nhở họ, giúp họ giữ được tấm lòng mình với Chúa và tránh phạm tội (I Sa-mu-ên 13-14: – Khi Sau-lơ bắt đầu tự phụ tự cao, ông bị quân Phi-li-tin vây hãm trong khi chỉ còn lại 600 quân trung thành theo ông. Đức Chúa Trời dùng tiên tri Sa-mu-ên cảnh cáo Sau-lơ, nhưng vẫn dùng Giô-na-than, con trai Sau-lơ, để đánh bại đạo quân Philitin, giải cứu dân Y-sơ-ra-ên).
3. SỬA TRỊ: Có những tai họa là hậu quả trực tiếp của tội lỗi. Nếu con dân Chúa biết ăn năn, quay bỏ tội lỗi, vâng theo ý Chúa và sống đúng đường lối Chúa thì Ngài sẽ cứu họ thoát khỏi những tai họa ấy (Các Quan Xét 6-8: – Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác, bị Chúa phó vào tay dân Ma-đi-an. Nghèo đói, khốn khổ quá nên họ kêu cầu Chúa. Ngài dùng Ghê-đê-ôn giải cứu họ).
4. ĐOÁN PHẠT: Tai họa đoán phạt cũng đến từ tội lỗi, nhưng dù ăn năn hay không, con dân Chúa vẫn phải gánh chịu tai họa đó như là hậu quả tất yếu của tội lỗi. Con dân Chúa phải thuận phục dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời để tôn cao đức thánh khiết và đường lối công chính của Ngài. Nếu ăn năn, con dân Chúa vẫn được chữa lành và được phục hồi sau hoạn nạn (II Sa-mu-ên 11:11-14: – Đa-vít phạm tội với U-ri, dầu ông ăn năn, được tha thứ và phục hồi mối liên hệ với Đức Chúa Trời, nhưng vẫn phải chịu những án phạt. Xem thêm II Sa-mu-ên 24).
5. TỪ BỎ: Nếu đã được sửa trị và chịu đoán phạt nhiều lần mà vẫn không ăn năn, Đức Chúa Trời sẽ rút cánh tay ân điển lại. Tai họa đến như là hậu quả tất yếu của tội lỗi và thất bại. Con dân Chúa sẽ không còn ở trong sự bảo vệ, chăm sóc của Đức Chúa Trời nữa. Dân nước sẽ bị loại bỏ khỏi chương trình của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ chuyển ân sủng và sứ mệnh của dân nước cho một hội chúng khác (Sau nhiều lần cảnh cáo, sửa trị, đoán phạt, Đức Chúa Trời lìa bỏ Y-sơ-ra-ên. Vương quốc Y-sơ-ra-ên bị A-si-ri tiêu diệt, vương quốc Giu-đa bị Ba-by-lôn tiêu diệt. Từ năm 70 S.C. Hội Thánh Đấng Cơ-rít thay thế vai trò của dân Y-sơ-ra-ên để xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất).
Thời Tân Ước đường lối của Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi. Nhưng trong giao ước mới của Chúa Giê-xu, Hội Chúng nhận được trọn vẹn ân điển và chân lý (Giăng 1:14-18); Đức Thánh Linh cũng đã giáng lâm để truyền thông và áp dụng ân điển và chân lý đến cho từng tín đồ (Giăng 15:26; 16:23). Vì vậy, ngoài năm mục đích của hoạn nạn như Hội Chúng Y-sơ-ra-ên, Hội Chúng của Đấng Cơ-rít còn có loại hoạn nạn thứ 6, là loại hoạn nạn để đem lại ƠN PHƯỚC cho các con của Đức Chúa Trời
6. BAN ƠN PHƯỚC: Loại hoạn nạn này chúng ta chịu vì Chúa, gồm 2 mục tiêu.
Chia sẻ thương khó của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5:10-12. Rô-ma 8:17): Chúa Giê-xu đã từ bỏ thiên đàng, đến thế gian làm người. Ngài gánh lấy tất cả tội lỗi của loài người, chịu hết sự rủa sả để đưa loài người trở về với Cha trên trời. Chúng ta là con của Đức Chúa Trời, được Chúa Giê-xu sai phái tiếp tục sống giữa thế gian tăm tối, chịu những khốn khổ chung với mọi người, để người khác có cơ hội biết và hưởng nhận tình yêu của Đức Chúa Trời.
Để làm người lính giỏi của Chúa Giê-xu (II Ti-mô-thê 2:3): Chúng ta đang cùng Chúa Giê-xu mở rộng vương quốc Thiên Đàng trên đất. Chúng ta như chiên giữa bầy sói, vì danh Chúa chịu bách hại, nhưng vẫn theo gương Chúa lấy tình yêu để chiến thắng bạo tàn, giải thoát những người ở dưới quyền lực của Satan, để mở rộng vương quốc tình yêu trong tấm lòng của mọi người chung quanh (Công vụ 16:16-40: – Phao-lô và Si-la bị tù khi truyền giáo và lập Hội Thánh tại thành Phi-líp).
Những tai họa đổ trên con dân Chúa dầu ở hình thức nào, với mục đích gì cũng đều phát xuất từ bàn tay quyền năng và tấm lòng yêu thương của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 23:37-39). Nhằm giúp các hội chúng giao ước có được những đặc tính của vương quốc Đức Chúa Trời và các con của Đức Chúa Trời trở nên giống như hình ảnh của Con Trưởng Giê-xu (Rô-ma 8:29. Khải-huyền 1:6). Trong cơn đại nạn bất kỳ, nếu chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời, thuận phục ý muốn Ngài và trung tín bước đi trong đường lối của Ngài, thì không có một ai hay một điều gì lấy đi được của chúng ta tình yêu Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Chúa Giê-xu (Ha-ba-cúc 3. Rô-ma 8:28-39). Ngay cả khi Đức Chúa Trời đã rút cánh tay ân điển của Ngài trên Hội Thánh địa phương và truất bỏ chân đèn của Hội Thánh đó đi (Khải-Huyền 2:1-5), chúng ta vẫn luôn bình an, vui mừng, phước hạnh và được Đức Chúa Cha giải thoát khỏi quyền của bóng tối, xứng đáng dự phần cơ nghiệp của các thánh đồ trong ánh sáng vương quốc của Con yêu dấu Ngài (Ê-sai 10:20-23; 11:1-16. Cô-lô-se 1:9-13).

Comments